Giới thiệu sách Chủ đề: Kỷ niêm ngày 20/11

Thứ tư - 11/08/2021 10:27
Giới thiệu sách Chủ đề: “Kỷ niêm ngày 20/11” Cuốn sách: Ông giáo làng trên tầng gác mái
z2676194533622 ef93ba99d3365acd68ab33ebe2c03dad
z2676194533622 ef93ba99d3365acd68ab33ebe2c03dad


Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến.
Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm nhưng với một số người thì dường như nỗi đau còn hiện hữu. Những ký ức đau thương về sự mất mát, những ánh mắt sợ hãi, bàng hoàng của trẻ thơ khi chứng kiến cái chết của cha mẹ, mãi là nỗi ám ảnh khôn nguôi. Thầy giáo Nguyễn Thế Vinh đã có một tuổi thơ dữ dội, đầy bất hạnh, hoàn cảnh cực kỳ khắc nghiệt, nhưng như cái cây trên đỉnh đồi, bị vặn chéo, bị bứt trụi cành lá nhưng rễ vẫn kiên cường bám chặt đất mẹ, tận lực hút nước dưỡng nuôi cây vượt qua mọi sóng gió cuộc đời.
          Đã có hàng trăm bài báo viết về thầy, nhưng với cuốn tự truyện “Ông giáo làng trên tầng gác mái” của thầy do Nguyễn Thị Việt Hà chấp bút độc giả sẽ có cái nhìn toàn diện về thầy: Một “hạt bụi” ngát hương hết sức hồn nhiên trong cõi trăm năm đi về. Sách do nhà xuất bản thế giới phát hành Quý II năm 2017. Cuốn sách dày 341 trang với khổ 14x20,5 cm. Bìa sách có màu chủ đạo là màu đen, điểm màu trắng và màu cam. Màu đen tượng trưng cho phong ba cuộc đời mà thầy đã trải qua, màu trắng thể hiện sự trong sáng ngây thơ, màu cam thể hiện sức sống mãnh liệt, sức chịu đựng phi thường và ý chí kiên cường vươn lên tìm giá trị đích thực cuộc đời. Nội dung cuốn sách theo thể loại tự truyện, gồm 11 chương, theo dòng thời gian từ khi cậu bé Vinh lên bốn tuổi đã chịu cảnh mồ côi cha cho đến nay là người sáng lập ra ngôi trường Hướng Dương – Trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật. 
Có những cuộc chia ly khiến cuộc đời rẽ sang ngả đường mới mà ta chẳng thể ngờ tới. Năm 9 tuổi cậu bé Vinh phải chia tay với cánh tay phải của mình. 9 tuổi một mình cậu phải chăn 2 con bò từ đồng gần cho đến đông xa, có lúc phải đi 3, 4 cây số mới có cỏ cho bò ăn. Buổi trưa thứ bảy định mệnh cậu cưỡi một con bò đi trước bỗng dưng con đi sau nổi điên húc con đi trước hất cậu ngã xuống bãi cát, khi lồm cồm bò dậy, cậu điếng người khi thấy một đoạn xương cánh tay phải cong lên, lúc lắc nhưng không hề chảy máu. Gia cảnh quá nghèo, bà ngoại đưa cậu đến thầy lang băng bó. Thầy lang bó quá chặt khiến máu ở cánh tay câu lưu thông không đều, chỉ được chừng nửa tiếng tay cậu đã tê tê, giật giật đau không chịu được. Sang ngày hôm sau tay cậu có dấu hiệu hoại tử, nhưng vì là ngày chủ nhật nên dù ông bà đứng ngồi không yên vẫn chẳng thể đưa cậu đến nhà thương. Chặng đường dài 80km với việc khan hiếm tàu xe và thủ tục khó khăn khi chuyển viện đã khiến tay cậu hỏng hoàn toàn, phải cắt bỏ. Cuộc chia li với cánh tay phải của Vinh đơn giản thế thôi, vậy nhưng câu chuyện ấy đã khơi nguồn bao ngã rẽ trong cuộc đời cậu.
          Đối với nhiều người, mất cánh tay phải là nỗi đớn đau, tuyệt vọng. Đối với Thế Vinh,  còn có những cuộc chia li đẩy cậu đến tận cùng nỗi đau. Tuổi thơ của cậu bé nguyễn Thế Vinh chỉ êm đềm đến năm 1974, khi  ấy cậu lên 4 tuổi gia đình nhận được giấy báo tử của cha. Lên 7 tuổi, lại phải chứng kiến cái chết quằn quại, đớn đau của mẹ. Điều gì khiến người mẹ trẻ mới hơn 30 tuổi đời quyết định tìm đến cái chết bỏ lại đàn con thơ côi cút. Các bạn hãy tìm hiểu tại trang 33 của cuốn sách nhé.
Chưa biết cái chết khủng khiếp đến thế nào, bảy tuổi cậu bé Vinh chỉ nghĩ đơn giản: má chết rồi khi nào má nhớ sẽ lại quay về. Bốn anh chị em, mồ côi cả cha lẫn mẹ đứa lớn nhất mới 12 tuổi, em nhỏ nhất mới lên 4 sống dựa vào ông bà ngoại già yếu và vô cùng nghèo khổ. “Mồ côi là nỗi buồn ở lại mãi trong lòng của Vinh. Nhưng có lẽ vì sự trơ trọi nên cậu buộc phải mạnh mẽ, chẳng có gì khiến cậu phải dừng bước”
Với cách viết chân thực, không có những áng văn mượt mà, bay bổng hay những dòng miêu tả sâu sắc diễn biến tâm trạng của nhân vật. Nhưng khi đọc “Ông giáo làng trên tầng gác mái “, người đọc thực sự xúc động, đồng cảm với nghị lực và tâm hồn hướng thiện của cậu bé Nguyễn Thế Vinh. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, Cậu bé Vinh không còn cha, không còn mẹ, mất một cánh tay phải, bắt đầu hành trình học tập và lao động mưu sinh một cách thực thụ. Suy nghĩ  luôn lạc quan: “Dù đã mất một cánh tay nhưng tôi vẫn phụ giúp ông bà ngoại và dì những công việc như khi cơ thể còn nguyên vẹn. Tôi luôn chân, luôn tay như vậy không phải vì người lớn ép làm mà vì chính tôi quen với cuộc sống chỉ có một cánh tay, muốn tin rằng khiếm khuyết ấy không quá nghiêm trọng”. Ngày đi học, tối lặn lội cùng ông ngoại đi kéo lưới kiếm thức ăn cho cả nhà, với cậu bé một tay như Vinh lại là muôn vàn khó khăn, có lúc là cậu kéo lưới, có lúc là lưới kéo người.
Tuổi 14, cậu bé Vinh người nhỏ thó như mới 12 đã phải quen với việc ra sông gánh nước, mỗi bận 5 gánh, mỗi gánh chừng 36 lít. Việc lấy nước với một cậu bé cụt tay khác gì làm xiếc với đôi thùng. Chỉ một tay, vừa lấy nước vừa giữ thăng bằng, khi mỏi lại chẳng thể đổi vai. Đã vậy con đường từ bờ sông về nhà phải qua một bờ mương và một cái dốc. Cái bờ mương ôi chao là oan nghiệt, vừa dài, vừa hẹp chỉ đủ hai bàn chân bước, vừa lồi lõm, vừa trơn trượt. Cái dốc cũng “oan trái” chẳng kém nghiêng 45 độ, cao chừng 5 thước, Nhiều khi thùng nước phía trên đụng phải mặt dốc nước sánh ra ngoài làm mặt đường trơn trượt. phút cao trào của màn xiếc gánh nước là lúc cậu trượt ngã theo đường nước loang, người một nơi, thùng một nẻo cùng lăn xuống dốc. Lồm cồm bò dậy, cậu quay lại bến sông bắt đầu lại màn xiếc gánh nước của mình.
Tuổi thơ gắn liền với bến sông Mông Giang với những lần mải bắt trai sông để bò ăn lúa bị chủ lúa bắt bò, những ngày nắng cháy thu hoạch hạt dưa, những lần hút hồn đám trẻ trâu với những câu truyện cổ tích. Cũng từ đây nghiệp làm thầy chọn cậu trò nghèo. Khi mới học lớp 6, Vinh nhận dạy kèm các em nhỏ trong xóm. Học phí cho thầy lúc là món khoai lang, khi thì nải chuối, cũng có thứ vô cùng giá trị là mấy trái xoài của trò Leo Em, mấy trái xoài ấy ngọt lắm, ngọt đế mức in sâu vào ký ức của cậu trở thành nỗi “ám ảnh ngọt ngào” khiến đến giờ thầy Vinh vẫn tự hỏi: Liệu trên đời còn có thứ gì ngon hơn mấy trái xoài năm ấy hay không.
Tuổi 15, ông ngoại mất, 3 chị em chuyển đến sống cùng dì Bảy. Dì nghèo lại đông con. Từ đây, bắt đầu chặng đường theo dì nhảy tầu đi buôn, mà thời ấy là buôn lậu để nuôi mình, nuôi các em. Vất vả là thế nhưng không sao nhãng học hành, năm 1989 Thế Vinh thi đậu trường Đại học Kinh tế TP HCM. Làm đủ nghề để đóng học và kiếm sống từ buôn cá phân, bơm vá xe đạp, nhân viên giữ xe, chế âm ly sau này là sửa điện thoại, làm gì người ta cũng thấy một anh sinh viên nghèo chăm chỉ,  chịu khó, khéo tay và trọng chữ tín.
Đôi khi cánh tay cụt làm anh mất tự tin, anh không muốn ai nhìn thấy nó, anh gắn cánh tay giả để giấu khiếm khuyết của mình. Chỉ vài tháng anh nhận ra: Chẳng lẽ vì cánh tay giả mà mội người thích mình hơn ư? Hay mình tự vỗ về nỗi tự ái cá nhân một cách vụng về. khi còn là đứa trẻ 12 tuổi mình còn làm được cái việc xóa bỏ ranh giới giữa tật nguyền và lành lặn thì tại sao khi là thanh niên gần 20 tuổi mình lại không làm được điều đó.
Không chỉ có nghị lực sống phi thường, cậu bé Vinh còn có niềm đam mê với âm nhạc. Say đắm tiếng đàn ghita của người cậu từ khi học lớp 6, Vinh nhận ra rằng: Âm nhạc có thể làm người ta bớt buồn và từ đó cậu quyết tâm học đàn.Với người lành lặn học đàn đã là khó, chỉ với một cánh tay làm thế nào để có thể vừa giữ đàn, vừa bấm nốt nhạc lại gảy đàn. Hành trình khổ luyện và những cuộc hạnh ngộ nào để từ một cậu bé khuyết tật có thể trở thành một nhạc công biểu diễn ghita kết hợp đàn harmonica tại phòng trà của ca sĩ Ánh Tuyết rồi sau này lưu diễn khắp Châu Âu và Nhật Bản. Quý vị hãy tìm hiểu tại chương V của cuốn sách “Ông giáo làng trên tầng gác mái”, quý vị nhé.
Rời ghế giảng đường Đại học, không có công việc nào giữ chân anh được lâu, vì dường như anh chưa tìm được đúng chân lý của cuộc đời mình. Từ năm 2006 “cậu giáo làng” năm xưa chính thức theo nghề dạy học. Từ những lớp gia sư, dạy học và tiếp sức cho trẻ em nghèo, mồ côi, khuyết tật đã nuôi dưỡng trong thầy một ước mơ cháy bỏng, ước mơ về một ngôi trường, một mái nhà cho những trẻ em thiệt thòi ấy. Thầy thấy mình cần phải nuôi những đứa trẻ ấy, cần phải nâng chúng thành người tốt hơn, cho chúng đi học để có công ăn việc làm và đóng góp gì đó cho cộng đồng.
Từ ước mơ cháy bỏng ấy, quên cả hạnh phúc cá nhân, thầy bắt đầu hành trình gian nan đi tìm nguồn tài trợ, xin cấp phép và khởi công xây dụng ngôi trường Hướng Dương. Rồi những ngày lặn lội trong nam, ngoài Bắc tìm học trò về với mái ấm của thầy, nuôi dưỡng, dạy bảo các em nên người, thầy còn bôn ba tìm công ăn, việc làm cho trò. Có lần thầy say mê chế tạo chiếc xe lăn cho 1 trò khuyết tật, khi thử xe không may thầy bị thương khá nặng vết cứa gần đứt gân, máu chảy nhiều. Hôm sau lại có hẹn với một tổ chức từ thiện, không muốn để họ thất vọng và đánh giá thấp người Việt, rời bệnh viện thầy ngồi xe lăn để sang Nhật rồi khi trở về thầy phải nằm viện cả tháng để chữa vết thương. Kết quả của những hành trình gian nan, vất vả của thầy, học sinh trường Hướng Dương nhiều em thi đỗ Đại học, có công ăn việc làm ổn định. Đến đầu  năm 2017 đã có 31 người du học tại Nhật Bản.
Là một cuốn tự truyện nhưng: Ông giáo làng trên tầng gác mái có nét đặc biệt hơn so với các cuốn tự truyện khác bởi cuốn sách không chỉ có những trang truyện về cuộc đời Nguyễn Thế Vinh chương cuối là: Những góc nhìn gần nhất về Nguyễn Thế Vinh – Người truyền cảm hứng. Điều đó làm tăng tính chân thực, khách quan, sức sống trong lòng độc giả của cuốn tự truyện. Trong mắt học trò trường Hướng Dương: Thầy là người thầy tốt nhất quả đất, thầy là cha, là bạn, là vĩ nhân. Nhạc sĩ Y Vũ nói “Nếu có một từ nào để nói về Vinh thì đó là từ tử tế. Nhưng từ này cũng không đủ. Vinh đã sống len lỏi giữa những biến động dữ dội của cuộc đời nhưng tâm hồn bất biến, biệt lập không theo quy chuẩn nào. Tâm hướng thiện, hành động vì lẽ tốt đẹp mà không cần mọi người xung quanh khen ngợi. Vinh như một dòng chảy lạ, không hề lẫn lộn với bất cứ dòng chảy nào, không bị cuộc đời lôi kéo, tâm hồn cứ thế sáng trong thánh thiện”.
Khép cuốn sách, ta thấy lòng còn rưng rưng một cảm xúc khó tả. không ngạc nhiên khi “Ông giáo làng trên tầng gác mái” đã đoạt giải “Cuốn sách truyền cảm hứng nhất”, giải thưởng cao nhất tại lễ trao giải thưởng Trạm – năm 2018. Quý vị hãy đón đọc “Ông giáo làng trên tầng gác mái” để tìm cảm hứng cho chính mình, cuốn sách hiện có trong thư viện trường THCS Phương Trung với mã số STK/6586, quý vị nhé.
 

Nguồn tin: Nguyễn Thị Giang Thao

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây