Số: 2613/BGDĐT-GDTrH

Thứ bảy - 24/07/2021 10:52
Số: 2613/BGDĐT-GDTrH
V/v: Triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
Số: 2613/BGDĐT-GDTrH
V/v: Triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022
Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2021
 

Kính gửi: Các Sở Giáo dục và Đào tạo1

Năm học 2021 -2022, các cơ sở giáo dục trung học thực hiện đồng thời Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018) đối với lớp 6 và Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Chương trình giáo dục phổ thông 2006) đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12. Để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các Sở GDĐT triển khai thực hiện một số nội dung sau:
I. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường
1. Đối với lớp 6: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GDĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512); các phụ lục kèm theo Công văn 5512 được sử dụng để tham khảo trong việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, kế hoạch giáo dục của giáo viên, kế hoạch bài dạy (giáo án).
2. Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12: Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) của giáo viên (hoàn thiện kế hoạch dạy học và giáo dục của tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy (giáo án) đã được xây dựng và thực hiện từ các năm học trước).
II. Tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục lớp 6
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh; lưu ý việc tổ chức triển khai kế hoạch giáo dục một số môn học, hoạt động giáo dục sau:
1. Môn Lịch sử và Địa lí
a) Chương trình môn Lịch sử và Địa lí bao gồm phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, mỗi phân môn được thiết kế theo mạch nội dung riêng, trong đó nhiều nội dung dạy học liên quan được bố trí gần nhau để hỗ trợ nhau; nội dung Lịch sử tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Địa lí và nội dung Địa lí tích hợp trong những phần phù hợp của nội dung Lịch sử. Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học.
b) Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng theo từng phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí, các phân môn được bố trí dạy học đồng thời trong từng học kì phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường.
c) Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện trong quá trình dạy học theo từng phân môn. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng bao gồm nội dung phân môn Lịch sử và phân môn Địa lí theo tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học của mỗi phân môn đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
2. Môn Khoa học tự nhiên
a) Chương trình môn Khoa học tự nhiên bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời. Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên. Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học các chủ đề hoặc toàn bộ chương trình môn học.
b) Kế hoạch dạy học môn học được xây dựng phù hợp với logic sắp xếp các chủ đề của chương trình môn học và điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kì, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với nội dung môn học.
c) Việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì được thực hiện trong quá trình dạy học môn học theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng gồm nội dung của các chủ đề đã thực hiện theo kế hoạch dạy học, bảo đảm tỷ lệ phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
3. Nội dung giáo dục của địa phương
a) Nội dung giáo dục của địa phương bao gồm những vấn đề cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp,... của địa phương. Căn cứ vào nội dung giáo dục của địa phương, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực của giáo viên.
b) Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.
c) Giáo viên dạy học chủ đề nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với chủ đề đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các chủ đề đã dạy học đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
4. Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp
a) Chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bao gồm các nội dung hoạt động được tổ chức trong và ngoài nhà trường với các hình thức hoạt động chủ yếu là Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp, Hoạt động giáo dục theo chủ đề và Hoạt động câu lạc bộ. Căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, hiệu trưởng phân công cán bộ quản lí, giáo viên đảm nhận việc tổ chức thực hiện các hoạt động phù hợp với năng lực của cán bộ quản lí, giáo viên.
b) Kế hoạch tổ chức các hoạt động được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường; tăng cường phối hợp với cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động trong và ngoài nhà trường.
c) Cán bộ quản lí, giáo viên được phân công tổ chức hoạt động nào thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với hoạt động đó theo kế hoạch. Bài kiểm tra, đánh giá định kì được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường, nội dung kiểm tra, đánh giá bao gồm nội dung các hoạt động đã thực hiện đến thời điểm kiểm tra, đánh giá.
Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo kịp thời về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học) để được hướng dẫn, giải quyết./.
 
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để phối hợp chỉ đạo);
- Cục Nhà trường, Bộ Quốc phòng;
- Các trường phổ thông trực thuộc;
- Các Cục, Vụ, Viện KHGDVN;
- Lưu: VT, Vụ GDTrH.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ
 

---------------------------
1 Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây