Giới thiệu về làng Chuông

Giới thiệu về làng Chuông
Làng Chuông - làng nghề làm nón hơn 300 năm tuổi.
Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km, làng Chuông thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai là mảnh đất sinh ra nhiều tú tài thời vua chúa ở Việt Nam. Nơi đây còn là hiện thân của những chiếc nón lá có tuổi đời hàng nghìn năm đến nay vẫn còn lưu giữ và truyền nghề qua từng thế hệ. Làng Chuông vào đầu thế kỷ XIX gọi là xã Thì Trung. Theo sử sách Việt ghi chép lại, vào năm Tự Đức nguyên niên (1848), vì kiêng tên húy vua Tự Đức (là Nguyễn Phúc Thì) nên xã Thì Trung đổi tên thành xã Phương Trung, tổng Phương Trung, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên (năm 1815 đổi là phủ Ứng Hòa), trấn Sơn Nam Thượng. Tên xã được giữ đến nay.
Những năm trước cách mạng tháng Tám (1945), làng Chuông chỉ có 25 xóm. Đến năm 1947, nơi đây được gộp lại thành 7 thôn: Tây Sơn, Chung Chính, Liên Tân, Quang Trung, Mã Kiều, Tân Tiến và Tân Dân. Năm 2003, tách thôn Tân Dân thành Tân Dân 1 và Tân Dân 2. Như vậy, từ làng gốc nay được chia thành 8 thôn.
Nguồn gốc của nghề làm nón ở làng Chuông cho đến nay vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ. Người ta chỉ biết rằng làng nghề này đã có hơn 300 năm làm nón. Xưa kia, nón làm chỉ để dùng trong làng, sau ngày càng nổi tiếng và bán khắp nơi. Nón còn là sản phẩm cúng tiến cho các hoàng hậu, công chúa trong cung.
Nón làng Chuông ban đầu có rất nhiều loại dùng cho nhiều tầng lớp như nón dấu, nón chóp cho nam giới, nón ba tầm cho phụ nữ. Nhưng từ năm 1940, làng chỉ làm duy nhất là nón lá. Hiện nay, làng đã đa dạng hóa các loại nón để đáp ứng nhu cầu của thị trường và du khách.
Vẻ đẹp của nón làng Chuông được đưa vào ca dao Việt Nam:
“Muốn ăn cơm trắng cá mè
Muốn đội Nón tốt thì về làng Chuông
Nón làng Chuông vừa trắng vừa trong
Đội cho đôi lứa má hồng
Đội cho đôi lứa vợ chồng nên duyên”.
Hay nhà thơ Hoàng Cẩm Thạch từng ca ngợi chiếc nón làng Chuông qua các câu thơ:
“Trên đầu đội nón làng Chuông
Ra đồng, xuống chợ, tới trường, vào thơ
Dịu dàng che nắng, che mưa
Nón bằng, nón chóp ngàn xưa chung tình”.
Nón làng Chuông - sản phẩm của những đôi bàn tay tỉ mỉ.
Các dụng cụ làm cần có gồm: Khuôn nón (tạo ra dáng nón thanh thoát); dao (để cắt vòng, gọt mo, lá); kéo (cắt chỉ, cắt lá); kim khâu (có nhiều kích thước, hình dáng, nhiều chức năng); bàn là lá (làm phẳng lá); lò hun lá, nón (để lá và nón có màu trắng đẹp, chống mối mọt); lò sấy lá (sấy khô lá trong mùa ẩm thấp).
Để có chiếc nón bền đẹp cũng rất mất nhiều thời gian và công đoạn để thực hiện. Thường chiếc nón sẽ có 3 phần: Phần một là lớp lá lụi được phủ trong cùng, tiếp đến là phần mo tre và cuối cùng lớp lá lụi trên cùng.
Ðầu tiên là việc chọn lá. Lá được lấy từ cây lá lụi mọc ở vùng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An. Người ta phải lựa loại lá màu sáng và xanh đều mới cho thành phẩm nón đẹp. Lá khi mua về sẽ được vò trong cát cho mềm rồi đem phơi khoảng hai, ba nắng đến khi màu xanh của lá chuyển thành bạc trắng. Sau đó sấy thêm bằng bếp củi, bếp đun lửa nhỏ để lá khô dần mà không bị giòn và không bị nát. Kế tiếp là công đoạn dễ nhất mà ai cũng làm được: rẽ lá. Người ta phải rẽ từ trên ngọn xuống cuống lá cho phẳng. Tiếp đó, dùng khăn nhúng nước hơ trên lửa nóng rồi ủi lá cho thật phẳng.
Vòng nón làm bằng thân cây tre, nứa. Người ta vót tre, nứa thành dạng mảnh nhỏ, tròn và đều để khi nối với nhau không bị lệch hoặc gồ ghề. Nón lá ở làng Chuông có 16 vòng, khuôn 8 gọng. Người thợ xếp các vòng nón có kích cỡ khác nhau vào khung gỗ từ chóp nón trở xuống theo thứ tự từ bé đến lớn.
Một công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ nữa là quay nón. Người thợ cắt vát một đầu lá, xếp lên khung nón rồi dùng ghim cố định tại chóp nón rồi bắt đầu quay lá cho phủ kín khung. Thường nón sẽ được lợp lớp lá bên trong lên khung gỗ rồi đến lớp lá ngoài. Tiếp đó là công đoạn buộc len trên hai góc nón tạo thành điểm cố định để buộc quai nón.
Giai đoạn khâu nón là phần quan trọng nhất. Để làm nên một chiếc nón bền, đẹp đòi hỏi người khâu phải có đôi tay khéo léo giữ cho các lớp lá trên nón không rách và giúp chiếc nón được phẳng, không tạo nên nếp nhăn hoặc lồi lõm. Thời gian khâu một chiếc nón khoảng 4 tiếng. Thời xưa, người làng Chuông thường khâu dừa, khâu móc, bây giờ chủ yếu khâu bằng dây cược cho bền. Mũi khâu phải đều và không lộ chân kim mới tạo ra sản phẩm chiếc nón đẹp.
Các loại nón lá ở làng Chuông.
Từ xưa đến nay, ở làng Chuông có một số loại nón điển hình như:
- Nón ba vòng đấu (có kích thước to, không khâu kỹ, sử dụng khi người nông dân đi làm đồng).
- Nón thúng quai thao (có vành rộng, ngửa lên có hình như cái thúng, có buộc thao dệt bằng tơ, thường gắn liền với áo tứ thân mớ ba mớ bảy của các bà, các cô).
- Nón mười (có hình như chiếc nia, các cụ già thường đội đi chùa).
- Nón chóp dứa (làm bằng lá dứa, mỏng, nhẹ, trắng mốt, khâu bằng dây rất khéo như dệt vải, phía trên có chóp, thường dành cho người có chức sắc thời xưa sử dụng).
- Nón lính hay nón dấu (thường dùng cho lính thời xưa trong chiến trận, làm bằng cật tre, trên đỉnh có chóp bằng đồng, có quai buộc chặt vào cằm).
- Nón lá già ghép sống (làm bằng lá hồ, khâu bằng móc đen rất chắc và bền, dùng cho người nông dân đi làm ruộng).
Hiện nón ở làng Chuông chủ yếu sản xuất để phục vụ khách du lịch do nhu cầu trong nước đã không còn cao như trước. Một số loại nón phổ biến hiện giờ ở làng gồm: nón con (chính là chóp nón, được lợp hai lần lá, đường kính 15-30cm, chủ yếu phục vụ du lịch); nón nhỡ (giống như nón nhỏ, đường kính 30-45cm, cho các em học sinh đội); nón Hồng Kông (có chóp nhọn và ngắn, vành nón rộng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc); nón Lâm Xung (làm bằng lá hồ, hình dáng hơi giống chiếc mũ, chóp nón không nhọn); nón Thái (hình dáng giống chiếc nón của người Thái ở Tây Bắc, làm bằng lá hồ, chủ yếu xuất khẩu sang Nhật và Hàn Quốc)...
Ngoài ra, làng Chuông còn có các loại nón khác như nón Bo (làm bằng lá hồ, hình chóp, làm theo đơn đặt hàng của Nhật); nón bộ ba, bộ năm (chùm nón gồm 3 hoặc 5 cái với nhiều kích cỡ, treo trên 1 sợi dây, để trang trí hoặc làm quà lưu niệm); nón bẹp chóp (được làm như nón chóp, không có lớp mo, phần chóp nón được bẻ gập xuống); nón mõm bò; nón chao đèn ngủ…
Cách di chuyển đến làng Chuông.
Nếu đi xe máy, ô tô, từ nội thành Hà Nội, du khách đi theo quốc lộ 6 vào Hà Đông, đến Ba La rẽ trái theo quốc lộ 21B, sau đó đi tiếp khoảng 15km sẽ gặp cổng làng được xây dựng khá lớn bên phải đường, trên cổng có hàng chữ lớn "Làng Chuông".
Nếu đi xe bus, bạn có thể bắt tuyến 91, 103A hoặc 103B và đi bộ khoảng 50m là tới làng Chuông.
Các bạn hãy ghi lại, khi nào hết giãn cách xã hội thì hãy tới làng Chuông một lần nhé.
Nón làng Chuông từ bao đời vẫn là một sản phẩm dân dã, gần gũi với đời sống người dân Việt. Thương hiệu nón làng Chuông giờ đây không chỉ phổ biến trong nước mà còn được giới thiệu trên thị trường quốc tế để mỗi khi nhìn thấy chiếc nón lá, ai cũng sẽ biết sẽ nhớ đến Việt Nam.
Nguồn: Sở Du lịch Hà Nội, Truyền hình du lịch

article
  Thông tin chi tiết
Tên file:
Giới thiệu về làng Chuông
Phiên bản:
N/A
Tác giả:
Mai Thị Năm (namhaphuongtrung@gmail.com)
Website hỗ trợ:
N/A
Thuộc chủ đề:
Thông tin chung
Gửi lên:
16/08/2021 21:55
Cập nhật:
16/08/2021 21:55
Người gửi:
Giaovienpt
Thông tin bản quyền:
S DL Hà Nội
Dung lượng:
21.06 KB
Xem:
605
Tải về:
1
  Tải về
Từ site Trung học cơ sở Phương Trung:
   Đánh giá
Bạn đánh giá thế nào về file này?
Hãy click vào hình sao để đánh giá File

  Ý kiến bạn đọc

Vun đắp ước mơ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây